Như TTCT (số ra ngày 3-7-2011) đã đưa tin, giáo sư Guenter Giesenfeld và dịch giả Marianne Ngo vừa đoạt giải thưởng văn học dịch uy tín của Đức cho bản dịch tập truyện ngắn của Lê Minh Khuê Những bi kịch nhỏ. TTCT giới thiệu cuộc trò chuyện với giáo sư Guenter Giesenfeld của nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai.
Giáo sư Guenter Giesenfeld và bà Marianne Ngo – Ảnh tư liệu
Người Đức vẫn đọc về chiến tranh Việt Nam
* Chào giáo sư Guenter Giesenfeld. Xin chúc mừng giải thưởng văn học dịch mà ông và bà Marianne Ngo đã nhận được. Ông đã chọn dịch những tác giả Việt Nam nổi tiếng như Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê. Còn những tác giả trẻ? Hiện giờ ông đang chú ý đến ai?
– Chúng tôi đã dịch và in trong tạp chí Viet Nam Kuerier tác phẩm của các tác giả trẻ Việt Nam, những người chúng tôi thường biết đích danh. Ví dụ như sau khi dịch và in tác phẩm của nhà văn Y Ban, chúng tôi đã mời chị ấy sang Đức để giao lưu với độc giả. Chúng tôi cũng biết những cây bút thuộc thế hệ 8X và một số người đã có tác phẩm in trên tạp chí. Nếu nhà xuất bản đồng ý, có lẽ chúng tôi sẽ tiến hành dịch một tuyển tập “Truyện ngắn các cây bút nữ trẻ” của Việt Nam.
* Nhưng Việt Nam có nhiều cây bút mới và cây bút đã thành danh. Cách thức ông lựa chọn tác phẩm của họ để dịch như thế nào và hiện nay ông đang dịch tác phẩm của ai?
– Một điều không may mắn cho chúng tôi là những dịch giả người Đức không ai có thể đọc thông thạo tiếng Việt, vì thế sự lựa chọn của chúng tôi bị giới hạn trong các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp và các tác phẩm mà chúng tôi có được thông tin đầy đủ (ví dụ như từ chính tác giả). Hiện tại, chúng tôi có ý định tiến hành dịch một quyển tiểu thuyết Việt Nam sang tiếng Đức, theo đơn đặt hàng của nhà xuất bản.
Chúng tôi đang cân nhắc hai sự lựa chọn: thứ nhất là dịch một trong ba tiểu thuyết rất nổi tiếng của năm 1991 (Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng). Bạn đọc Đức chưa biết đến những tác giả và những tác phẩm này. Hoặc chúng tôi chọn một tác phẩm mới được xuất bản của các tác giả như Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái…
Có một số người bạn Việt Nam khuyên chúng tôi không nên đi theo hướng lựa chọn thứ nhất, vì bây giờ chẳng còn ai thích đọc về đề tài chiến tranh nữa. Điều này có thể đúng đối với bạn đọc Việt Nam, nhưng không đúng với bạn đọc Đức.
* Là một dịch giả có nhiều kinh nghiệm và thành công trong việc dịch các tác phẩm văn học Việt sang tiếng nước ngoài, ông có lời khuyên nào cho những ai muốn tham gia công việc dịch thuật?
– Dịch thuật là một công việc hết sức khó khăn nhưng cũng là một công việc nhận được nhiều phần thưởng (nhưng không phải là phần thưởng tài chính!). Và đừng nên tham chiếu những bản dịch đã xuất bản, thường những bản dịch đó đã được hiệu đính để tránh những đoạn văn khó. Khi tham chiếu các bản dịch bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, chúng tôi đã học được bài học kinh nghiệm này.
Vì sự phong phú của văn học Việt
* Hiện nay độc giả thế giới biết rất ít hoặc chưa biết gì về văn học Việt Nam. Theo ông, cần phải làm gì để quảng bá văn học Việt ra thế giới?
– Quá trình dịch các tác phẩm văn học Việt sang tiếng nước ngoài mới bắt đầu và nhất thiết phải được tiếp tục, không phải chỉ bởi chúng tôi mà cần đến sự chung sức của rất nhiều người. Và chúng ta cần chống lại xu hướng chỉ dịch tác phẩm của những tác giả được biết đến như những người “chống đối chính phủ” và đang sống ở nước ngoài. Những tác phẩm ấy không hẳn là tồi nhưng chúng không đại diện cho sự phong phú của nền văn học Việt Nam.
* Các hoạt động hỗ trợ Việt Nam nào đang được tiến hành tại Hội Hữu nghị Đức – Việt (VFA) do ông đồng sáng lập và hiện làm chủ tịch? Những người Việt Nam đang sống ở Đức có đóng góp gì cho VFA?
– VFA được thành lập vào năm 1976 nhằm hội tụ những người bạn của Việt Nam, những người muốn tiếp tục công việc hỗ trợ Việt Nam. Như bạn biết đấy, sau chiến tranh, sự chú ý dành cho Việt Nam giảm đi và nhiều người chuyển sự quan tâm của họ đến các nước khác (như Nam Phi, Nicaragua…). Mục tiêu của chúng tôi là thông tin về một đất nước Việt Nam sau chiến tranh cũng phải được lưu tâm như trong chiến tranh.
Tôi đã viết một quyển sách về lịch sử Đông Nam Á (xuất bản năm 1981, đã tái bản lần 3). Chúng tôi cũng tổ chức nhiều cuộc triển lãm, hội thảo và mời các văn nghệ sĩ Việt Nam sang Đức giao lưu. Hiện nay chúng tôi đặt trọng tâm vào việc quảng bá lịch sử và văn học Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức về vấn đề chất độc da cam. Tạp chí Viet Nam Kuerier tiếp tục ra đời ba lần trong năm, mỗi ấn phẩm dày 80-140 trang.
Những hoạt động khác của chúng tôi bao gồm: tổ chức những chuyến thăm và những buổi cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam, trợ giúp ba dự án nhân đạo, xuất bản các tác phẩm văn học và những tác phẩm phi tiểu thuyết như Lịch sử Việt Nam của Nguyễn Khắc Viện sang tiếng Đức. Chúng tôi có rất ít thành viên là người Việt.
* Tôi đã đọc về các hoạt động nhân đạo của VFA và rất ấn tượng, nhất là nỗ lực của VFA trong việc hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam…
– Một trong ba dự án nhân đạo của VFA là trợ giúp một trung tâm phục hồi cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam tại Đà Nẵng. Chúng tôi mong muốn chuyển tải thông tin về hậu quả của chất độc da cam và hoàn cảnh của những nạn nhân. Trong mỗi ấn phẩm của tạp chí Viet Nam Kuerier đều có bài viết về chủ đề này. Chúng tôi in những bài báo quốc tế, kết quả nghiên cứu khoa học, ý kiến, tài liệu và những đóng góp cho thảo luận chính trị.
Hai năm trước, chúng tôi đã thành lập một liên minh châu Âu bao gồm những tổ chức Tây Âu đang hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam để những tổ chức này có thể tăng cường phối hợp và tham vấn lẫn nhau. Chúng tôi cử phái đoàn tham dự các hội thảo liên quan và gặp gỡ đại diện của Việt Nam khi họ đến châu Âu.
Vào tháng tới, một hội thảo lớn sẽ được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) tổ chức tại thành phố Frankfurt, Đức và chúng tôi đã được ủy quyền để thay mặt VUFO tổ chức sự kiện này.
* Ông có thể dịch thẳng từ tiếng Việt sang tiếng Đức được không? Mong ông chia sẻ thông tin về dịch giả Marianne Ngo.
– Vốn tiếng Việt của tôi không đủ để giúp tôi dịch thẳng từ tiếng Việt sang tiếng Đức. Trong hai tập thơ của Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi, tôi đã dịch với sự giúp đỡ của tác giả, thông qua chiếc cầu ngôn ngữ tiếng Pháp. Đối với các tác phẩm văn xuôi, Marianne là cầu nối, vì cô ấy biết tiếng Việt và là người Đức.
Hiện Marianne là giáo viên, trước đó cô ấy là chuyên gia cao cấp về lập trình máy tính. Cô ấy đã học tiếng Việt từ rất lâu. Marianne thường dịch truyện của Lê Minh Khuê trước, sau đó chúng tôi thảo luận bản dịch rất kỹ với những người bạn Việt Nam và với tác giả, rồi tôi mới hiệu đính cho văn phong đạt được chuẩn mực của văn học Đức.
Nhưng lúc này những vấn đề mới lại phát sinh, bởi một số cách diễn đạt trong tiếng Đức khác nghĩa với bản gốc tiếng Việt. Chúng tôi phải tìm kiếm giải pháp và đôi khi phải bổ sung chú thích. Trong quá trình dịch, Marianne sử dụng từ điển bách khoa toàn thư bằng tiếng Việt thay vì sử dụng từ điển Việt – Đức hoặc Việt – Anh.
* Có điều gì ông muốn chia sẻ thêm với bạn đọc Việt Nam?
– Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là giới thiệu văn hóa và văn học Việt Nam với bạn đọc Đức. Chúng tôi rất biết ơn tất cả những người đã giúp chúng tôi trong công việc này.
Những hoạt động của chúng tôi là một phần trong công việc xây dựng niềm tin và sự cảm thông giữa con người với con người và giữa các dân tộc với nhau. Điều này có thể đóng góp khiêm tốn trong việc đem lại và gìn giữ hòa bình trên thế giới, chống lại sự nghi ngờ và sự khinh miệt đối với những người nước ngoài và văn hóa nước ngoài.
* Xin chân thành cảm ơn giáo sư Giesenfeld, chúc ông sức khỏe và thành công.
Nhà văn Lê Minh Khuê: Tôi gặp ông Giesenfeld vào đúng những ngày nhiều người nước ngoài bỏ chạy khỏi Việt Nam vì châu Á đang có dịch SARS. Người ta xao xác lo sợ. Thế mà người đàn ông tóc bạc cao dong dỏng với phong độ của một giáo sư đã đến Hà Nội điềm tĩnh đi lại trên phố, gặp gỡ người quen, trò chuyện như không có sự gì xảy ra. Điều đó gây ấn tượng rất tốt đẹp với tôi và những lần gặp sau, tình cảm kính trọng cảm phục ông càng lớn.
Ông coi trọng con người, người Việt cũng như các sắc dân khác đang sống rất đông trên nước Đức. Ông không theo đạo Phật nhưng lối sống của Phật có trong ông tự nhiên, trong tình cảm yêu thương con người ấy. Sau này tôi mới gặp Marianne Ngo, người đàn bà đẹp, cởi mở, tươi sáng.
Hai ông bà không dồi dào tài chính. Họ có thể dành thời gian cho công việc kiếm tiền. Nhưng họ đã ngồi dịch văn học Việt Nam, một công việc thật nhiều rủi ro. Nhiều người Việt ngày hôm nay thường làm việc quấy quá cho xong, tôi đã rất dị ứng với điều đó.
Tôi tin bản dịch rất tuyệt. Ông bà đã dồn nhiều công sức, thành thật yêu thích công việc họ làm và đã có được kết quả tốt. Số tiền thưởng 5.000 euro họ dành hết cho việc quảng bá cuốn sách. Tôi chỉ còn biết cúi đầu khâm phục và cảm ơn hai ông bà.