Đã có nhiều bạn bè, kể cả bạn bè hành nghề văn chương, cũng như bạn bè hành nghề khoa học, thậm chí có cả một số phóng viên, nhà báo, hỏi tôi:

– Muốn có được một tác phẩm văn chương dịch, đúng và hay, thì người cầm bút dịch, cần phải có những gì? 

Tôi nói đùa, nhưng không hẳn đã là nói đùa:

– Cần phải học, và cần phải có những cuốn tự điển, từ điển, tử tế…

Còn như phải trả lời cho “thật đứng đắn”, nghiêm túc thì tôi nói:

– Trước hết là phải đến trường, đến lớp, hoặc “tầm sư học đạo”, cần cù học tập, nghiêm chỉnh học tập, để có lấy cái vốn thật cơ bản, rồi sau đó trau dồi thêm bằng sách báo, và đặc biệt là từ điển…để đủ sức mà “vật lộn” với các con chữ của người ta. Không có một thứ ngoại ngữ nào được gọi là “dễ” trên thế giới này, ngay cả những ngoại ngữ được gọi là “dễ học”, cũng không “dễ học”.

nghe dich thuat can gi

Đến ngay tiếng Việt Nam, đối với người Việt Nam, là rất “dễ học” – chứ sao nữa? Nhưng người Việt Nam học được nó, cũng là “rất khó”…huống hồ là “tiếng của người ta”?

Bởi thế, tôi nghĩ rằng: Muốn có được một tác phẩm dịch đúng và hay, thì trước hết phải học tiếng của người ta, không học được tới mức “rất thông thạo”, thì cũng phải ở mức gọi là thông thạo. Tôi đã thấy có những người, học không đến nơi đến chốn, chỉ có được dăm ba chữ “lôm côm”, mà các cụ nhà Nho xưa gọi là “hay chữ lỏng”, cũng nhảy đại vào “chiến trường dịch thuật”, mà “múa bút làm càn”, rồi đến khi gặp phải những chỗ học “chưa tới”,  những chỗ “không thông”, khó dịch, thì nhắm mắt bỏ qua, hoặc dịch liều, dịch bậy, bằng cái sự “ang áng”, sai đến cả trăm phần trăm của mình, rồi tự “vỗ yên” mình bằng một sự lừa dối:

– Ôi dào, ai biết đấy là đâu, chỉ có những thằng điên, khi đọc sách, mới lọ mọ đi tìm bản gốc, mà so sánh, bới móc…vả lại, trong hàng vạn độc giả, chắc gì đã có người có bản gốc, hơn nữa, người đọc sách bây giờ, thường đọc ào đi, cho xong chuyện!

Đấy là những người dịch thuật còn có một chút lương tâm, bởi họ còn biết “nghĩ tới” cái sai sót “đáng khả nghi” của mình, nhưng rất tiếc là họ vẫn cứ “làm ẩu”, dễ dàng cho qua, mà không chịu tìm hiểu, tra cứu cho ra cái đúng! Nhưng cũng còn có nhiều người tệ hại hơn, luôn luôn cho mình là đúng như những vị lãnh tụ kém cỏi, chủ quan, tự hiểu lầm mình, “dịch đại đi”, “dịch phứa đi”, bất cần phải trái, đúng sai, chỉ cần giao bản thảo cho nhà xuất bản thật nhanh… rồi…sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Họ cần lợi lộc hơn là cần danh dự, nghệ thuật. Với các “nhà dịch thuật” vừa ngu dốt, vừa vô trách nhiệm này, có ghép họ vào tội hình sự: “Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”, cũng chẳng có gì gọi là quá đáng.

nghe dich thuat can gi

Tôi đã từng được một cán bộ phụ trách văn nghệ hỏi :

– Bản dịch của ông A thế nào ?

Tôi nói thẳng theo kiểu bỗ bã:

– Ông ấy dịch sai “bỏ mẹ” đi…

– Nhưng tôi thấy ông ấy là người rất cẩn thận.

Một lần nữa, tôi lại nói thẳng:

– Cẩn thận không có nghĩa là kiến thức!

Vâng! Tôi công nhận, sự cẩn thận có thể nâng cao chất lượng bản dịch, có thể tránh được nhiều sai sót, nhầm lẫn, nhưng rõ ràng không thể thay thế cho một kiến thức nông cạn.

Nói tới sự cần thiết về sự thông thạo tiếng của người ta, tôi muốn nói thêm một điều: Nếu người dịch thuật “thông thạo thêm được” phong tục tập quán của nước ấy, bằng cách tra cứu, tìm hiểu, hoặc thực mục sở thị “tại trận”, thì sẽ rất bổ ích cho bản thân người dịch cũng như làm chú thích, giải thích cho độc giả, mỗi khi gặp phải những phong tục tập quán lạ mà ở nước ta không có, thí dụ chuyện về “chiếc giường”, đại khái trong bản gốc, tác giả viết: Cả vợ chồng bố, vợ chồng các con lớn, cùng các con nhỏ… đều ngủ chung trên chiếc giường ấy.

Sao mà kỳ thế? “Kỳ” là bởi vì người Việt Nam ta không có khái niệm, tập tục: Tất cả mọi người trong gia đình ngủ chung trên một “chiếc giường”, mà “mỗi cặp” phải ngủ trên những chiếc giường riêng, nhưng chuyện “ngủ chung” này, trước đây, là có thật trong những gia đình nông dân ở vùng giá lạnh của Trung Quốc. Vả lại, dịch ra tiếng Việt là “giường” chẳng qua chỉ là chuyển tải cái ý “nơi ngủ” cho gọn, cho dễ hiểu mà thôi, thực ra phải dịch là “giường bục”, “giương bệ”. hay “giường sàn”, bởi lẽ, nó chỉ là một cái bục, hoặc một cái bệ được đắp bằng đất, hoặc xây bằng gạch, nhiều khi chạy hết chiều dọc, hoặc chiều ngang trong nhà, ở giữa để rỗng, bắt cho khói cùng nhiệt dư của nhà bếp chạy qua đó trước khi toả ra bên ngoài để làm cho “giường” nóng lên, ngủ cho ấm… Nếu biết vậy, người dịch làm một cái chú thích, độc giả sẽ đỡ ngỡ ngàng, không nghi ngờ người dịch, dịch sai, dịch lầm nữa.

Lại như, trong số nhà cổ của Trung Quốc có một loại nhà, có tên là “nhà tứ diện”, hay “nhà bốn mặt”, một kiểu nhà hầu như Việt Nam ta không có, mà nếu có, nó cũng khác hẳn kiểu nhà của Trung Quốc, cho nên nếu ta cứ “trần trần” mà dịch là “nhà bốn mặt” e rằng độc giả sẽ phải hỏi: “Cái bốn mặt” ấy nó ra thế nào? Nếu người dịch biết, mà làm một chú thích nho nhỏ, người đọc sẽ hình dung ra kiểu nhà đó ngay lập tức: Đó là bốn ngôi nhà được xây quanh bốn bề một khu đất, đầu hồi sát nhau, nhìn ra một sân chung, nằm chính giữa dùng để sinh hoạt chung cho người sống trong cả bốn ngôi nhà. Kiểu nhà này rất tiện cho những đại gia đình “tam tứ đại đồng đường” ngày xưa, mỗi gia đình sống riêng trong mỗi ngôi nhà, nhưng lại không bị chia cắt, vì có một sân chung cho “sinh hoạt tập thể”, cho nên vẫn rất gần gặn, thấy nhau hàng ngày, tiếp xúc với nhau hàng ngày…

 

Tất nhiên, sự thông thạo phong tục tập quán của người ta, không phải là điều kiện bắt buộc người dịch thuật phải có như sự thông thạo về ngôn ngữ, nhưng như đã nói, nếu có được, nó sẽ rất bổ ích cho việc dịch thuật.

 

 

 
 

Chứng nhận - Giải thưởng

Chúng tôi tự hào được công nhận bởi nhiều chứng chỉ và giải thưởng uy tín trong ngành, phản ánh sự chuyên nghiệp và chất lượng cao trong dịch vụ. Những thành tựu này không chỉ là niềm tự hào của công ty mà còn là cam kết của chúng tôi trong việc duy trì tiêu chuẩn dịch vụ hàng đầu.

Giấy chứng nhận và Cúp "Sản phẩm - Dịch vụ tiêu biểu Châu Á Thái Bình Dương năm 2022" trao tặng cho Dịch thuật Số 1
Giải Thưởng "Sản Phẩm - Dịch Vụ Tiêu Biểu Châu Á Thái Bình Dương"
Giải Thưởng “Thương Hiệu Hàng Đầu – Top 3 Brands 2014”
Chứng nhận TOP 3 Thương hiệu Dịch Thuật Việt Nam
Giải Thưởng “Thương Hiệu Uy Tín – Trusted Brands 2016”
Chứng nhận Thương hiệu Dịch Thuật Uy Tín Chất Lượng