Việc học cách ứng xử tích cực chứ không phải phản ứng theo bản năng với tình huống ngoại cảnh để làm chủ cảm xúc rất quan trọng trong việc định hướng cuộc đời. Cảm xúc tiêu cực có thể hủy hoại các mối quan hệ trong quá trình giao tiếp, đặc biệt là trong đàm phán, thương lượng. Cảm xúc tiêu cực, đặc biệt là quá khích sẽ làm lệch hướng quá trình giao tiếp hay đàm phán. Sự bùng phát các cảm xúc tiêu cực sẽ che mờ lý trí làm giảm khả năng ứng xử khôn ngoan của con người trong giao tiếp, dẫn đến những lời nói, hành động không đúng mực, không hợp lý. Điểm yếu đó có thể bị kẻ khác lợi dụng. Cảm xức tiêu cực không làm tiêu tan những đau buồn trong dĩ vãng mà chỉ xua tan ý chí hành động của hôm nay. Để cảm xúc tiêu cực bùng phát là tự hại mình, vì nó sẽ dọn đường cho những suy nghĩ, hành vi thiếu sáng suốt khiến bản thân sẽ phải hối tiếc về sau.
Cảm xúc tiêu cực phát sinh trong giao tiếp, đàm phán giống như quả cấu tuyết lăn xuống dốc núi, càng lăn nó càng lớn lên cùng với tác hại của nó. Hơn thế, cảm xúc có tính lan truyền, nên có thể kích động người khác phát sinh những cảm xúc tương tự làm cho tình thế càng thêm nghiêm trọng. Tâm trạng tức giận của một người chính là nguyên do khơi nguồn cho sự tức giận của người khác. Đừng tự biện minh cho cảm xúc tiêu cực của mình, vì điều đó chỉ làm cho cảm xúc tiêu cực them trầm trọng.
Muốn thành công phải tập thói quen chế ngự các cảm xúc tiêu cực và chuyển hóa thành các cảm xúc tích cực bằng cách luôn giữ thái độ lạc quan, tự tin, xây dựng mối quan hệ tốt với những người xung quanh, khoan dung, ứng xử có trách nhiệm, tập trung vào mục tiêu đề ra. Abraham Lincoln cho rằng: “Con người chỉ vui khi chính họ quyết định để tâm trí mình vui vẻ”. Đừng để cho cảm xúc tiêu cực chế ngự mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào, để rồi trở thành nạn nhân tự nguyện của cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, hãy làm chủ cảm xúc trước khi nó làm chủ mình. Càng tập trung vào những yếu tố tích cực của sự việc thì càng dễ kiềm chế cảm xúc tiêu cực phát sinh. Thái độ sống vui vẻ, hài hước giúp tạo cảm xúc tốt ngay cả trong hoàn cảnh bi đát nhất.
Làm chủ cảm xúc, luôn hướng tới cảm xúc tích cực là điều không dễ dàng, nó đó đòi hỏi con người phải vượt qua chính mình, một việc cần sức mạnh của ý chí. Đức Phật Thích Ca đã từng nói: “Đánh thắng một vạn quân không bằng chiến thắng chính mình”. Ai cũng cần sự động viên, khích lệ. Nếu nhất thời bị rơi vào hoàn cảnh không nhận được sự hỗ trợ đó, thì hãy là người bạn tốt nhất, mạnh mẽ nhất của chính mình trong việc tự động viên, khích lệ mình. Cách hữu hiệu nhất trong giao tiếp, thương lượng là có sự chuẩn bị trước về tinh thần và cách cách ứng xử theo hướng tích cực đối với những tình huống, cả tốt và xấu, có thể xảy ra, để luôn trong tư thế sẵn sàng làm chủ cảm xúc của mình. Hãy hình dung hình ảnh của bản thân cần có trong cuộc giao tiếp, đàm phán trong tâm thế thoải mái, tự tin, linh hoạt và đạt được kết quả mong muốn.
Kỹ năng làm chủ cảm xúc giúp con người vượt qua được những tình huống khó khăn trong cuộc sống. Mặc dù làm chủ cảm xúc là chuyện không dễ dàng, nhưng điều may mắn là bất kỳ ai cũng có thể rèn luyện trí tuệ cảm xúc, nếu có ý chí và quyết tâm. Làm chủ hay là nô lệ của cảm xúc tiêu cực hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí và quyền lựa chọn luôn nằm trong tay của mỗi người.