Chúng ta cần phải chấp nhận nghề dịch thuật đó là một chuyên môn hẹp.
Ông nhận định như thế nào về tình hình dịch thuật hiện nay ở nước ta?
Nước ta là một nước có nền văn hiến lâu đời. Mà, phàm đã là văn hiến lâu đời thì việc học hỏi những cái tinh hoa của thiên hạ là đương nhiên, không thể tự mình bế quan tỏa cảng. Hoàn toàn không có gì là tự ti ở đây. Tiếp thu văn hóa của xứ người chính là để có một vị thế bình đằng với họ. Mà muốn tiếp thu văn hóa của người có hiệu quả thì phải giỏi ngoại ngữ.
Những nước lớn như Trung Quốc đã làm việc đó từ cách đây hàng ngàn năm. Từ đời nhà Hán, đã có các nhà sư sang Ấn Độ dịch kinh Phật. Trong khi đó, chúng ta mãi đến bây giờ mới bàn đến việc dịch những bộ sách quan trọng nhất của nhân loại, thế là quá chậm. Chính vì vậy, chúng ta càng phải làm tốt. Tôi đề nghị Nhà nước phải đầu tư vào việc này; đầu tư về tiền bạc, về con người, về thời gian. Và, điều quan trọng nhất không phải là chúng ta dịch những gì, mà là dịch những cuốn sách đó như thế nào, nghĩa là chất lượng dịch. Tiêu chuẩn dịch thuật từ bao đời nay là tín, đạt, nhã. Muốn tín, nhất thiết phải giỏi ngoại ngữ. Vậy ta hãy điểm lại xem những người dịch hiện nay xem họ có đạt được yêu cầu đó không.
Chưa nói đến những thứ tiếng ít người biết, chỉ kể các ngôn ngữ quan trọng nhất như Trung văn, Anh văn, Pháp văn, Nga văn, Đức văn, Ấn văn…, ta có thể thấy lực lượng dịch giả và biên tập sách dịch vừa ít ỏi vừa thiếu năng lực. Đa phần dịch giả hiện nay đến với dịch thuật đơn thuần vì lý do sinh kế, lại chỉ biết ngoại ngữ do nhu cầu công tác chứ không được đào tạo chuyên môn về dịch thuật, có quan niệm rất đơn giản về dịch thuật. Đã vậy thì làm sao có thể đảm đương một sứ mệnh lớn lao như thế được.
Xin ông nói rõ hơn về tình trạng thiếu hụt tri thức về Trung văn, thứ ngoại ngữ mà ông biết rõ?
Chúng ta đã phạm phải một sai lầm, có thể nói là tội lỗi, khi bỏ mất một cái vốn vô cùng to lớn của chúng ta, đó là vốn từ gốc Hán. Hãy xem, trên câu đối, trong chùa chiền, trên bia mộ, cho đến bát cơm ta ăn, cái áo cái quần ta mặc, đâu đâu cũng là chữ Hán. Trên thực tế, dân tộc chúng ta từng sống với chữ Hán hàng ngàn năm, chỉ đến thế kỷ 20 mới chuyển sang chữ viết la-tinh. Mà chữ Hán là của chúng ta nói chung, chứ không phải của riêng một tầng lớp thống trị nào; đừng kỳ thị nó. Nó không phải của vua Tần Thủy Hoàng, mà là của cả dân tộc Hán, của một hệ ngôn ngữ vùng, của nhân loại. Nó là một công cụ cực kỳ lợi hại.
Trên thực tế, chúng ta chỉ bỏ mất vốn chữ Hán trong văn chương và học thuật. Còn ở người dân thường, chữ Hán vẫn còn sống động lắm. Một câu Hán văn như “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, hay “tu tề trị bình”, “ưu đạo bất ưu bần”, một người nông dân bình thường dù ở Bắc, Trung, Nam vẫn có thể hiểu được. Chữ Hán có một ưu điểm nổi bật mà tiếng Việt không có, ấy là kết cấu chặt, trong khi ngôn ngữ ta dùng hàng ngày có kết cấu lỏng. Chẳng hạn, khi ta nói “kế hoạch tiền khả thi”, ai cũng hiểu. Nhưng thử dịch cụm từ đó ra tiếng “thuần Việt” xem: “Cái kế hoạch có thể báo trước là thi hành được”. Vừa dài gấp đôi, vừa lủng củng, vừa không chính xác, mà vẫn phải lặp lại 5 chữ vốn có trong cụm từ Hán. Hoặc một ví dụ khác: ”Bảo trọng”. Chúng ta thường dịch là “Giữ gìn sức khoẻ”, dài gấp đôi, ấy thế mà cũng không đủ nghĩa. “Giữ gìn sức khoẻ” vừa thô thiển, cạn cợt, vừa không đủ ý. “Bảo trọng” đâu phải chỉ là giữ gìn sức khoẻ, mà còn là gìn giữ tâm hồn, gìn giữ tinh thẩn, cốt cách. Ngôn ngữ Hán là vậy: vừa cô đọng vừa có nội hàm lớn, đa tầng.
Sự thiếu hụt tri thức về Hán văn của chúng ta dẫn đến những hệ quả tai hại. Giá như ta tinh thông chữ Hán thì đã không có những cuộc tranh luận vô bổ chẳng hạn như “Hữu xạ tự nhiên hương” hay “Nhiễu xạ tự nhiên hương”. Hoặc, nếu biết từ nguyên chữ Hán, ta sẽ không rơi vào những cách dùng sai không đáng có, chẳng hạn như “bao biện” vốn có nghĩa là “ôm đồm, việc gì cũng làm” nhưng lại hiểu sai thành “biện bác, biện minh, cãi lý”. Kết quả là ta dùng sai mà không biết, kể cả các nhà giáo, những người có nhiệm vụ truyền thụ kiến thức cho thế hệ trẻ. Ngay cả những người có học hẳn hoi cũng rơi vào tình trạng nói lấy được, mạnh ai nấy cãi, không có kiến thức nền. Chúng ta chẳng khác gì xẩm mù sờ voi, hoặc như có lần tôi đã nói, chúng ta như đóng cửa cùng ngồi trong một căn buồng tắt hết đèn rồi lấy roi quất nhau.
Bằng cách nào ông có được nền tảng sâu xa như vậy về ngôn ngữ, văn hóa và triết học Trung Hoa? Chắc hẳn quá trình tự đào luyện của ông, bắt đầu từ những con chữ Hán đầu tiên từ thời thơ ấu, là một quá trình rất lâu dài và đầy khổ luyện?
Có một số gia đình may mắn giữ được cái vốn quý chữ Hán, trong đó có gia đình tôi. Có thể nói, tôi đã học chữ Hán từ trong máu. Từ khi tôi chưa ra đời, ông bà tôi đã nói như thế, cha mẹ tôi đã nói như thế. Mặt khác, tôi lại được dịp sang Trung Quốc học từ năm 1954. Nhờ vậy, khác với nhiều người khác, tôi đã có thể vừa biết được cổ văn, vừa biết được kim văn.
Không phải tôi giỏi hơn mọi người, mà do tôi gặp may, tôi có cơ duyên. Phần nữa cũng là do sở thích cá nhân. Tôi thích chữ Hán, nên muốn gìn giữ nó. Đó là cả một công việc vô cùng gian nan, bởi ngày nay người ta chuộng những thứ tiếng khác hơn. Nhưng không thể không gìn giữ, nó là nền tảng văn hóa chìm. Chúng ta phải giữ gìn nó như một thứ bảo vật.
Những nguyên nhân cơ bản của thực trạng đó theo ông là gì?
Nguyên nhân cơ bản nằm ở quan niệm của xã hội. Xã hội không coi trọng người dịch, nhất là những người chỉ chuyên tâm vào dịch, chỉ “chuyên” chứ không “hồng”. Anh ta suốt ngày cặm cụi ngồi dịch, không sinh hoạt Đảng, không chiều các ông lớn. Chuyên môn không được coi trọng, ngôn ngữ không được coi trọng, thực tài không được coi trọng. Ở tầng sâu xa của vấn đề là quan niệm về dịch thuật ở ta hết sức sai lầm. Ngày xưa, người ta coi biết ngoại ngữ là một phẩm giá. Còn ở ta, biết nhiều ngoại ngữ có khi lại là một tai nạn. Một nghịch lý ở ta là, những dịch giả giỏi, hết mình với chuyên môn và học thuật, lắm khi lại bị gán cho đủ thứ “tội”: nào là chuyên môn thuần túy, rút vào tháp ngà, tự cao tự đại… Cá nhân tôi, từng có thời phải giấu biệt cái vốn chữ Hán của mình, đơn giản vì thời đó có những vấn đề chính trị giữa nước ta khiến cho xã hội có thái độ kỳ thị, ruồng bỏ bất cứ cái gì thuộc Trung Hoa, dẹp văn bia, khoa Trung văn ở các trường cũng bỏ. Chữ Hán thì có tội tình gì?
Nay thì người học tiếng Trung nhiều, nhưng toàn học một cách thực dụng, chủ yếu là để kiếm sống ở cơ quan này cơ quan nọ, chứ không học như học một nền văn hóa. Trong khi đó, lớp dịch giả và học giả Hán văn vẫn còn, tuy tuổi đã cao, Tại sao chúng ta không tập hợp họ lại, động viên họ, ưu đãi họ, tận dụng tri thức của họ? Xã hội cần phải biết chấp nhận rằng dịch thuật là một chuyên môn hẹp. Cần phải có những chuyên gia sâu trong lĩnh vực dịch thuật, trong từng ngôn ngữ. Mặt khác, cần phải khu biệt những đẳng cấp khác nhau của dịch thuật, cần phải thừa nhận rằng có những chuyên gia dịch thuật có đẳng cấp cao, và trọng dụng họ, đãi ngộ họ xứng đáng.
Ở ta lại có tình trạng khen chê không có chuẩn mực gì hết. Người khen lẫn kẻ chê không có khả năng thấu hiểu cái tầm sâu của đối tượng. Người ta khen tôi bởi người ta không biết.
Ông quan niệm như thế nào về công việc của dịch giả? Ông đánh giá như thế nào về các đồng nghiệp cùng dịch từ Trung văn, như Lê Bầu, Trần Đình Hiến, Phạm Tú Châu…?
Họ cũng như mọi người lao động đáng quý đáng trọng, mỗi người có một ưu điểm khả thủ. Tuy còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, tuổi đã trên dưới 70, họ vẫn miệt mài làm việc mỗi ngày để có những trang sách cho bạn đọc. Tôi tin chắc chắn họ là những người hiếm hoi trong giai đoạn này. Nếu như họ mất đi, ai sẽ lấp được khoảng trống đó?
Dịch giả ngày nay thật hiếm người như họ, như trường hợp Cao Xuân Hạo là một. Đòi hỏi như vậy là hơi cao, nhưng tôi vẫn ước ao dịch giả phải ở cái tầm như thế. Phải có tình yêu đối với tác phẩm, phải có tâm huyết với nghệ thuật dịch, và nhất thiết phải có trình độ Việt ngữ càng cao càng tốt. Tôi không tin người viết một câu văn tiếng Việt chưa sạch nước cản mà có thể dịch hay được, dù là người Việt, đã sống ở Việt Nam ba bốn chục năm, thậm chí đi dạy người Việt về tiếng Việt.
Được biết, ông là người từng dịch nhiều sách cổ của Trung Hoa, trong đó có những cuốn sách quý, rất có giá trị và không dễ dịch như “Mai hoa dịch số” hay “Khổng Tử truyện”. Theo tôi biết, những khái niệm cơ bản của huyền học Trung Hoa như âm dương, ngũ hành… là hết sức uyên áo, và mặc dù tiếng Trung với tiếng Việt rất gần gũi nhau, có thể vẫn có những trường hợp “ngôn bất tận ý”. Gặp những trường hợp như vậy, ông thường giải quyết bằng cách nào?
Để dịch được một cuốn “Mai hoa dịch số”, tôi phải đọc không phải hàng chục, mà hàng trăm cuốn sách. Phải có kiến văn ngang tầm với những môn đồ của tác giả. Và phải có niềm đam mê. Không đam mê thì không thể nào dịch được một cuốn sách hàng bao nhiêu năm trời.
Theo ông, nghề văn có quan hệ thế nào với nghề dịch? Người dịch văn học có cần thiết cũng phải là nhà văn không? Tại sao?
Để dịch văn học, nhất thiết bản thân phải là nhà văn. Để dịch truyện ngắn, phải là người viết truyện ngắn. Nếu không, làm sao có nổi sự tinh tế và uyên thâm về ngôn ngữ tiếng Việt để có thể cùng một câu tiếng Trung mà kẻ khác dịch là “Thôi anh đi đi”, ta thì dịch “Anh bước đi cho tôi nhờ”. Sự khác biệt giữa hai câu tiếng Việt đó là cả một đẳng cấp. Một đằng dịch đúng, một đằng dịch hay. Từ đúng đến hay là bước sang cả một đẳng cấp khác.
Ông có ưu tư gì về việc không có đội ngũ kế thừa cho lớp dịch giả cao tuổi đã qua đời hoặc đã vào độ tuổi “xưa nay hiếm” như các cụ Phan Ngọc, Phan Văn Các, Khương Hữu Dụng, và bản thân ông nữa?
Không có “đội ngũ kế thừa” là điều đương nhiên. Đừng băn khoăn “liệu ta có môn đệ hay không”. Nếu ta hay thì tự khắc sẽ có môn đệ; có thể sau mười lăm năm, năm mươi năm, sau khi ta đã chết đi rồi, sẽ có người nhận ra chân giá trị của ta, đi theo con đường của ta. Với lại, Việt Nam ta vốn dĩ yếu kém, từ xưa đến nay làm gì có các học phái, trường phái… như Trung Hoa hay Anh, Pháp, v.v.
Theo ông, để trở thành một dịch giả giỏi thì phẩm chất nào là có tính quyết định?
Nền tảng văn hóa của gia đình và quá trình đào luyện trong trường đời là hết sức cần thiết. Lại nữa, từ biết đến sử dụng được ngoại ngữ là cả một khoảng cách. Học ngoại ngữ hoàn toàn không phải chỉ vài năm là đủ, mà là học cả đời. Và, cái quan trọng nhất là khí tiết, khí phách của tâm hồn, phẩm chất cá nhân của dịch giả; đó mới là cái quyết định.